Chào mừng bạn đến với Gimasys!

Hotline: (MB) (+84) 981 946 466 , (MN) (+84) 988-777-632

  • Tiếng Việt
  • English

4 Chiến lược dựa trên phân tích dữ liệu giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Các nhà sản xuất đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh với các chiến lược về giá cả, sản phẩm và hợp tác. Khi mà các công nghệ dữ liệu ngày càng phát triển, các nhà kinh doanh dựa vào những phân tích dữ liệu để mang lại thành công cho các chiến lược kinh doanh này. Cùng tìm hiểu 4 chiến lược dựa trên phân tích dữ liệu giúp các nhà sản xuất thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chiến lược định giá

Phân tích dữ liệu được áp dụng trong các chiến lược định giá để đưa ra mức giá tối ưu nhất. Các nhà sản xuất cần xác định sản phẩm nào phù hợp nhất đối với nhu cầu của người mua sắm. Đồng thời, phân tích các kịch bản định giá khác nhau để tìm ra sự cân bằng giữa việc làm hài lòng khách hàng, tăng doanh số bán hàng và tối đa lợi nhuận.

Hiểu biết về mức độ chênh lệch của giá là bước đầu tiên cho chiến lược định giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, yếu tố vị trí địa lý cũng quan trọng trong chiến lược định giá, mức giá cần phù hợp với thị trường tại địa phương. Cũng cần lưu ý rằng: việc tăng giá nên thực hiện từng bước nhằm giảm bớt tác động và phản ứng của người tiêu dùng. Tăng giá mạnh trên toàn bộ các sản phẩm có thể làm tổn thất doanh số lớn hơn so với việc thực hiện theo từng bước nhỏ, trên một vài sản phẩm cùng một lúc.

Việc thay đổi giá hầu hết đều nhạy cảm với cả doanh nghiệp và khách hàng. Các nhà sản xuất có thể đặt ra 3 câu hỏi để xác định có thực hiện thay đổi giá hay không:

  • Tăng giá có thực sự là cách giúp doanh nghiệp tăng trưởng?
  • Có nên duy trì mức giá thấp để thu hút khách hàng hay không?
  • Doanh nghiệp có thể tiếp tục tạo ra lợi nhuận từ đâu?

Hay nói cách khác, các nhà sản xuất cần nắm rõ lý do tại sao khách hàng lại lựa chọn thương hiệu và sản phẩm của mình? Sản phẩm đã đáp ứng những nhu cầu nào của người tiêu dùng? Động lực cơ bản nào để khách hàng có thể quay lại mua hàng của doanh nghiệp?

Việc tăng giá nên đi kèm với việc tăng giá trị như: bổ sung chất lượng hoặc thêm vào các tính năng phù hợp với khách hàng. Nghiên cứu cho thấy, lạm phát gần đây sẽ không tác động nhiều lên sự hứng thú với các sản phẩm mới lạ của người tiêu dùng: 86% người mua sắm yêu thích thử các sản phẩm mới và 65% sẵn sàng chi trả cao hơn cho một sản phẩm có sự cải tiến. Các nhà sản xuất chỉ cần làm nổi bật các đặc điểm hiện có được đánh giá cao bởi khách hàng thông qua truyền thông. Điều quan trọng là xác định chính xác đặc điểm hoặc thuộc tính nào được khách hàng quan tâm nhất. Vai trò của phân tích dữ liệu sẽ được thể hiện rõ qua hoạt động này. 

Phân loại sản phẩm

Các nhà bán lẻ luôn muốn có cơ sở hợp lý trong việc phân loại và tối ưu các sản phẩm. Khả năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ giúp cho các sản phẩm được dễ dàng phân phối đến các nhà bán lẻ hơn. Sản phẩm của doanh nghiệp cũng vì thế được đưa lên kệ và quảng bá nhiều hơn. Tuỳ thuộc vào các yếu tố như: thu nhập, thói quen sinh hoạt,…một số sản phẩm nhất định sẽ có thể được tiêu thụ cao hơn ở các địa phương khác nhau, hoặc thậm chí là ở trong các cửa hàng khác nhau. 

Tất nhiên, nhu cầu và các sở thích của người tiêu dùng sẽ không ngừng thay đổi. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong một thị trường biến động, các nhà sản xuất phải liên tục điều chỉnh phân loại sản phẩm cho phù hợp. Quá trình làm việc với các nhà bán lẻ đòi hỏi sự linh hoạt khi xem xét, quản lý và điều chỉnh trong quá trình lập kế hoạch chọn lựa sản phẩm đưa vào danh mục ngành hàng.

Khả năng phân tích phù hợp sẽ giúp các nhà sản xuất chuyển hướng và thích ứng nhanh chóng với các tác động biến đổi liên tục của thị trường.

Triển khai bán lẻ

Các chương trình khuyến mại, giảm giá luôn là cơ hội để quảng bá thương hiệu hoặc đẩy nhanh lợi nhuận từ việc bán chéo. Tuy nhiên, để có một mức giá tốt nhất (mức khuyến mại, giảm giá tốt nhất) đòi hỏi các công cụ phân tích hiện đại theo thời gian thực, nhằm xác định xem sản phẩm nào ít độ co giãn về giá nhất. 

Mỗi năm, chương trình khuyến mại không hiệu quả đã làm lãng phí những khoản chi phí khổng lồ. Theo nghiên cứu của Nielsen IQ, 37% doanh số bán hàng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến từ việc khuyến mãi trong năm tài chính 2021. Tuy nhiên, 52% doanh số bán hàng trong con số này lẽ ra vẫn diễn ra ngay cả khi không giảm giá. 

Nhờ vào các quyết định dựa trên phân tích dữ liệu, tập trung vào những chương trình khuyến mãi tăng thêm doanh số, các nhà sản xuất có thể thu lại hoặc tái đầu tư một khoản đáng kể cho ngân sách khuyến mãi. Ví dụ: chưa đầy một năm kết hợp phân tích giá cả và khuyến mãi vào các chiến lược của mình, một công ty thức ăn cho thú cưng lớn ở thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến doanh số bán hàng cộng thêm tăng trung bình 12%.

Phân tích cũng cung cấp thông tin giúp đưa ra các quyết định phân loại sản phẩm theo mùa. Với cái nhìn toàn cảnh về hiệu suất và giá cả tổng thể của danh mục, các nhà sản xuất có thể tối ưu hóa các dịch vụ của họ cho từng giai đoạn mua sắm theo chu kỳ. Ví dụ: một nhà sản xuất chocolate có thể giảm giá sâu hơn cho các sản phẩm vào gần dịp Halloween, ngày lễ tình nhân và các ngày lễ tiêu thụ nhiều kẹo ngọt khác.

Chiến lược hợp tác giữa nhà sản xuất và bán lẻ

Đo lường và quản lý tình trạng các sản phẩm trong các cửa hàng bán lẻ là cơ hội hàng đầu mang đến sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Yếu tố quan trọng dẫn đến thành công cho sự phối hợp này là có được tính minh bạch về tình trạng sản phẩm có mặt trong cửa hàng. Tại Mỹ, Ngành thực phẩm bán lẻ đã ghi nhận 7.4% các mặt hàng không có sẵn trên kệ trong 52 tuần (theo số liệu kết thúc vào ngày 2/2/2022), khiến doanh thu ngành công nghiệp này thiệt hại ít nhất 88 tỷ USD. Chỉ cần cải thiện 2% tỷ lệ hàng hóa sẵn có trên kệ (On-shelf availability) sẽ tăng thêm 1% doanh số bán hàng.

Các nhà cung cấp và nhà bán lẻ làm việc với Nielsen đã chứng kiến mức tăng trưởng 2% đến 3% trong doanh số bán hàng tổng thể khi họ đạt được sự minh bạch hoàn toàn về vấn đề chia sẻ dữ liệu. Trong thời điểm lạm phát diễn ra, thách thức chuỗi cung ứng và cạnh tranh gia tăng, các công ty sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu chỉ xoay quanh các trung tâm dữ liệu của riêng mình.

Trên đây là 4 chiến lược dựa trên phân tích dữ liệu mà các nhà sản xuất có thể xây dựng để thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình. Tóm lại, việc phân tích dữ liệu góp phần đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác và nhanh chóng hơn. Các vai trò của dữ liệu và phân tích dữ liệu sẽ được tận dụng để phát triển kinh doanh trong dài hạn cho mọi doanh nghiệp.

Đọc thêm: Xu hướng phân tích dữ liệu cần được khai thác trong năm 2023

LIÊN HỆ VỚI GIMASYS

TIN TỨC LIÊN QUAN

Hướng dẫn ứng tuyển